TIÊU CHUẨN HÓA TRAM IN OFFSET (PHẦN 2)

TIÊU CHUẨN HÓA TRAM IN OFFSET (PHẦN 2)

Rất nhiều nhà in tại Việt Nam đã đầu tư hệ thống chế bản CTP. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để có thể áp dụng kỹ thuật tram in FM hoặc XM vào sản xuất nhằm tạo ra một sự khác biệt để cạnh tranh trên thị trường in. Với tram in FM & XM chúng ta cần lựa chọn các thông số gì và yêu cầu kỹ thuật như thế nào để đáp ứng các yêu cầu chất lượng sản phẩm và phù hợp các điều kiện sản xuất trong thực tế.

I. Tram in FM

 

 

 

 

Thông số quan trọng nhất cần xác định để tiêu chuẩn hóa tram in FM là kích thước hạt tram nhỏ nhất có thể in được đồng thời đảm bảo ổn định chất lượng in dễ dàng trong điều kiện sản xuất thực tế tại xí nghiệp. Kích thước hạt tram nhỏ nhất liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng in: khả năng tái tạo tầng thứ và phục chế không gian màu, mức độ dot gain, tình trạng bay bản, ổn định màu in… Kích thước hạt tram FM nhỏ nhất được chọn là bao nhiêu trước hết tùy thuộc tính năng và thông số kỹ thuật của thiết bị RIP. Các điểm khác cần lưu ý khi áp dụng hoặc đưa vào tiêu chuẩn hóa tram FM.

Thông thường, đối với các sản phẩm là tạp chí cao cấp in giấy couché trên máy in tờ rời hay máy in cuộn sấy nhiệt (heat-set web offset), khi các điều kiện sản xuất được kiểm soát tốt, ta sẽ chọn kích thước hạt tram FM nhỏ nhất để ghi bản CTP là 20μm hay 21μm tương ứng với kích thước hạt tram AM tại điểm tram 2% được ghi bản với tần số tram 175lpi và độ phân giải ghi là 2540 dpi hay 2400 dpi. Còn đối với in báo trên máy in cuộn, kích thước hạt tram FM nhỏ nhất thông thường sẽ chọn để ghi bản CTP vào khoảng 30μm (ghi phim sẽ chọn 40μm – theo tiêu chuẩn ISO 12647-3).

Khi áp dụng tram FM, mức độ dot gain trên tờ in bao giờ cũng cao hơn so với khi in tram AM (theo tiêu chuẩn ISO 12647-3, mức độ dot gain cao nhất khi in tram FM là 40%, trong khi dot gain khi in tram AM cao nhất là 26% hoặc 30%). Do vậy, để đảm bảo khi in tram FM người thợ in vận hành & canh chỉnh máy như khi in tram AM, các nhà in nên thực hiện bù sự sai lệch này khi ghi bản. Giả sử khi in tram AM ta chỉ thực hiện ghi tram tuyến tính (linearization) thì khi ghi tram FM ta kích hoạt thêm chức năng process calibration trên RIP với lượng bù tương đương mức độ tăng tầng thứ in tram FM so với tram AM.

1. Tram FM của Heidelberg:

Cho đến nay, Heidelberg có 3 dòng tram FM:

- Diamond Screening

- Satin Screening

- Prinect Stochastic Screening

a) Diamond Screening:

Đây là dạng tram FM thế hệ đầu tiên của Heidelberg. Tất cả các bản tách màu tram Diamond đều hình thành từ 4 bản tách tram Diamond cơ sở với các hạt vi tram là điểm ghi laser nhỏ nhất có thể tạo được. Tùy thuộc độ phân giải ghi và kích thước hạt tram in nhỏ nhất thực tế được chọn, chúng ta sẽ có các bản in tách màu tram Diamond với kích thước hạt tram nhỏ nhất trên bản bằng kích thước hạt vi tram hoặc được nhân với một hệ số tương ứng.

Ví dụ, độ phân giải ghi là 2540 dpi, kích thước 1 hạt vi tram sẽ là 10μm (1 laser dot). Chúng ta có thể ghi tram Diamond cho bản in với các hạt tram nhỏ nhất có kích thước này, tuy nhiên các hạt tram có kích thước 10μm trong thực tế rất khó in được trên giấy. Chúng ta chỉ có thể in được trên giấy hạt tram có kích thước nhỏ nhất là 20μm. Với lựa chọn này, hệ thống tram Diamond sẽ sử dụng 4 laser dot (nhân đôi theo 2 chiều quét) để tạo nên hạt tram nhỏ nhất trên bản in cho các bản tách màu.

 

b) Satin Screening:

Tram in Satin là thế hệ tram FM thứ hai của Heidelberg với những cải tiến về khuôn mẫu (pattern) tạo tram, bao gồm cả số lượng và cách bố trí các laser dot, nhằm cải thiện và ổn định chất lượng hình ảnh in cũng như bảo đảm cho người thợ in vận hành và kiểm soát chất lượng sản phẩm dễ dàng hơn so với in tram Diamond.

Tram in Satin có 2 dạng: Satin Screening Fine & Satin Screening Medium.

 

Satin Screening Fine: Các hạt vi tram cơ sở gồm 4 laser dot (2×2 device pixels). Nếu chọn ghi tram Satin Screening Fine cho in báo với độ phân giải RIP là 2540 dpi và chọn kích thước hạt tram nhỏ nhất là 40μm, hạt tram nhỏ nhất trên bản sẽ hình thành bằng việc nhân đôi hạt vi tram ( 2 x 20μm).

 

 

Hình 3: Tram Satin Fine

Satin Screening Medium: Các hạt vi tram cơ sở gồm 9 laser dot (3×3 device pixels). Với độ phân giải ghi là 2540 dpi, kích thước hạt vi tram cơ sở là 30μm × 30μm. Trong trường hợp ghi CTP cho in báo cuộn, ta có thể trực tiếp chọn thông số ghi tram này.

c) Prinect Stochastic Screening

Tram in Prinect Stochastic được phát triển trên cơ sở tram Satin nhưng được thiết kế chuyên biệt và tối ưu cho một hoặc nhiều máy ghi. Có 2 dạng tram in Prinect Stochastic: Prinect Stochastic Screening Fine & Prinect Stochastic Screening Medium.

 

 

Hình 4: Prinect Stochastic Screening Medium

Các thông số kỹ thuật của các hệ thống tram in áp dụng cho các thiết bị chế bản do Heidelberg cung cấp được mô tả đầy đủ và chi tiết trong các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đi kèm.

2. Tram HDS (Harlequin Dispersed Screening) của Harlequin:

 

Hình 5: Dạng tram HDS fine

 

Hình 6: Dạng tram HDS super fine

 

Hình 7: Dạng tram HDS Medium

 

Hình 8: Dạng tram HDS Coarse

 

Hình 9: Dạng tram HDS super coarse

 

 

Hình 10: Kích thước hạt tram nhỏ nhất (μm) ứng với độ phân giải RIP và các cấp độ tram HDS.

Căn cứ vào tiêu chuẩn kích thước hạt tram nhỏ nhất (in trên loại giấy nào, in máy tờ rời hay máy cuộn…) và thông số độ phân giải của máy ghi bản, ta sẽ chọn loại tram và độ phân giải RIP tương ứng dựa vào bảng thông số trên.

Ví dụ:

- Nếu máy ghi bản chỉ có 1 độ phân giải 2400 dpi, để ghi tram HDS cho in báo với tiêu chuẩn kích thước hạt tram 40μm, ta cần chọn tram HDS Super Coarse và RIP với độ phân giải 2400 dpi (kích thước hạt tram nhỏ nhất tương ứng tạo ra là 42μm).

- Nếu máy ghi hỗ trợ độ phân giải 1200 dpi, ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho in báo với các tram HDS khác ở cả 2 độ phân giải 1200 dpi & 2400 dpi (kích thước hạt tram nhỏ nhất cho in báo ta trong thực tế có thể lựa chọn từ 28μm).

II. Tram lai AM-FM (XM, Hybrid)

1. Vài nét về các dạng tram lai ghép AM-FM:

Tram XM (Cross Modulated Screening) hay tram Hybrid, là các loại tram được tạo ra trên cơ sở lai ghép kỹ thuật tạo tram AM & FM với mục đích kết hợp những ưu điểm nổi trội của hai loại tram này và loại bỏ những nhược điểm biểu hiện rõ nhất của chúng. Hiện nay có một số giải pháp kỹ thuật tạo tram XM & Hybrid được áp dụng rộng rãi như sau:

Giải pháp thứ nhất: Áp dụng kỹ thuật tram FM cho vùng sáng nhất (dưới 10%) và vùng tối nhất (trên 90%) để giữ được chi tiết ở những vùng này, vùng tông còn lại áp dụng kỹ thuật tram AM để không có hiện tượng nhiễu hạt như tram FM. Giải pháp này có một nhược điểm lớn nhất là có thể quan sát được sự chuyển đổi các vùng tông AM & FM, hình ảnh phục chế trở nên không tự nhiên (hình 11).

 

Hình 11: Tạo tram XM bằng cách chia hình ảnh thành các vùng tông và áp dụng

nguyên bản các kỹ thuật tram FM & AM (phương pháp tạo tram XM thế hệ thứ nhất & thứ hai)

Giải pháp thứ hai: Vùng tông sáng nhất và tối nhất là tram FM; vùng tông còn lại áp dụng tram AM với tần số quét tram cao và kích thước hạt tram thay đổi nhưng hạt tram sắp xếp theo kiểu FM. Ví dụ tram Speckta của Dainippon Screen.

 

Hình 12: Tram Speckta 2 (Dainippon Screen)

 

 

Giải pháp thứ ba: Vùng tông trung gian áp dụng kỹ thuật tram AM thông thường với tần số quét tram cao, còn ở vùng sáng và vùng tối cũng áp dụng kỹ thuật tram FM để giữ được chi tiết tối ưu. Các bản tách màu vẫn duy trì góc tram AM cho cả vùng tông áp dụng kỹ thuật tram FM. Kỹ thuật tram FM chỉ áp dụng để điểu khiển việc tạo tram bằng cách hình thành hạt tram nhỏ nhất theo các pattern nào đó đồng thời thực hiện rút bớt các hạt tram một cách ngẫu nhiên sao cho vẫn đảm bảo diện tích phủ tram đáp ứng kích thước hạt tram nhỏ nhất đã xác lập. Rõ ràng với giải pháp này, quan sát vùng sáng và vùng tối của hình ảnh cho ta hiệu ứng như quan sát tram FM nhưng việc chuyển tông của hình ảnh mịn màng, tự nhiên hơn đồng thời vẫn loại trừ rossette, nhiễu hạt và đảm bảo năng suất ghi. Tram in XM của Agfa (Sublima) và tram in Prinect Hybrid của Heidelberg áp dụng giải pháp thứ ba.

 

Hình 13: Giải pháp công nghệ tram XM – các ô tram bên phải 
chỉ rút bớt hạt tram ngẫu nhiên từ ô tram ngoài cùng bên trái
(tram AM) còn góc tram tram vẫn duy trì

Đối với tram in Prinect Hybrid của Heidelberg, phần tram AM là tram IS CMYK+7,5°. Các hạt tram nhỏ nhất được hình thành từ 4 laser dot (2×2 pixels) hoặc 9 laser dot (3×3 pixels) với các dạng như sau:

 

Hình 14: Prinect Hybrid pattern 2×2 (4 laser dots)

 

 

Hình 15: Prinect Hybrid pattern 3×3 (các pattern do 9 laser dots tạo nên)

2. Lựa chọn các thông số in tram XM:

Đối với tram XM, các thông số cần được tiêu chuẩn hóa và lựa chọn áp dụng sẽ bao gồm:

- kích thước hạt tram nhỏ nhất

- tần số quét tram

- độ phân giải ghi hình ảnh.

Ví dụ: Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng tram Prinect Hybrid của Heidelberg cho máy ghi Suprasetter:

* In tạp chí cao cấp sử dụng giấy couché trên máy in tờ rời:

- Kích thước hạt tram nhỏ nhất: 20μm.

- Tần số quét tram: 300lpi.

- Độ phân giải RIP: 2540 dpi.

* In báo trên máy in cuộn:

- Kích thước hạt tram nhỏ nhất: 28μm (hoặc 30μm)

- Tần số quét tram: 200lpi.

- Độ phân giải RIP: 2540 dpi.

Một số điểm cần lưu ý thêm khi áp dụng tram FM và tram lai AM-FM:

Ngoài những vấn đề đã cảnh báo khi áp dụng tram FM hay tram lai AM-FM, trong thực tế có một trở ngại rất lớn khi áp dụng các loại tram này. Đó là tình trạng bay bản. Với cùng điều kiện sản xuất, các bản in tách màu sử dụng tram FM hay Hybrid chỉ có số vòng máy chạy được (run length) bằng 50% – 70% so với khi sử dụng tram AM do tram in rất mỏng (tần số quét tram cao). Với điều kiện sản xuất thông thường ở Việt Nam, bản in CTP sử dụng tram AM có thể chạy 100.000 vòng máy thì khi sử dụng tram Hybrid theo các thông số đưa ra trên đây chỉ chạy được khoảng 70.000 vòng máy. Ngoài ra, do tình trạng máy in kém, áp lực in không đảm bảo (đặc biệt là chất lượng bản cao su và bọc lót chưa đúng), nếu in tram AM thì chất lượng vẫn chấp nhận được nhưng in tram Hybrid thì chất lượng lại rất tồi tệ, hạt tram không sắc nét và hình ảnh quan sát loang lổ. Nếu thiết bị RIP cho phép, ta nên lựa chọn kích thước hạt vi tram lớn hơn, giảm tần số quét; nếu không, tốt nhất là in tram AM. Như vậy, khi in tram FM hay Hybrid, liên hệ giữa người thợ in và người thợ chế bản phải rất chặt chẽ để có sự điều chỉnh thích hợp và kịp thời.

Vấn đề tiêu chuẩn hóa cũng không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà mục đích cuối cùng, quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế mang lại. Trong thực tế sản xuất, nếu điều kiện kỹ thuật thỏa mãn nhưng in tram FM hay in tram Hybrid không đem lại hiệu quả kinh tế so với in tram AM (ví dụ bản bay quá nhanh, chi phí thay bản cao su lớn v.v..), thì cũng không nên áp dụng.

Các Bài nhận định liên quan

0338.13.13.13

|